Bối cảnh Sự_kiện_khinh_khí_cầu_do_thám_Trung_Quốc_năm_2023

Lịch sử

Khinh khí cầu giám sát, một trong những công nghệ quân sự trên không xuất hiện sớm nhất, đã được nhiều quân đội sử dụng rộng rãi vào cuối thế kỷ thứ 19 và 20, bao gồm cả Hoa Kỳ và Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.[29] Vào thời điểm xảy ra sự kiện, chúng hầu như đã bị thay thế bởi sự ra đời của vệ tinh giám sátmáy bay không người lái tàng hình và có thể điều khiển, tuy chúng vẫn có một số lợi thế, chẳng hạn như ít tốn kém khi sản xuất và triển khai hơn nhiều.[30][31] Hoa Kỳ bắt đầu đầu tư vào việc sử dụng khí cầu trong quân đội vào năm 2019 theo chương trình COLD STAR (Covert Long Dwell Stratospheric Architecture).[lower-alpha 1][32][33][34]

Công nghệ của Trung Quốc

Khí cầu được cho là do một nhà thầu quân sự Trung Quốc sản xuất theo thông tin lấy từ cổng thông tin mua sắm của Quân Giải phóng Nhân dân.[35] Một phân tích của Reuters về một bài báo trên tạp chí công nghệ quốc phòng của Trung Quốc do nhà nước kiểm soát xuất bản vào tháng 4 năm 2022 cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng đối với công nghệ khinh khí cầu quân sự, ám chỉ rằng Trung Quốc nên "kích động và huy động hệ thống phòng không của kẻ thù, tạo điều kiện cho việc thực hiện trinh sát điện tử [và] đánh giá khả năng phát hiện cảnh báo sớm và khả năng đáp ứng của các hệ thống phòng không".[36] Sau khi khinh khí cầu bị bắn hạ, các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc đã đăng một bài báo của một giáo sư ở Đại học Beihang kiêm đại tá cấp cao đã nghỉ hưu của Lực lượng Phòng không của Quân Giải phóng Nhân dân tuyên bố rằng cuộc xâm nhập đã đáp ứng một đề xuất chiến lược trong bài luận năm 2014 của ông có tiêu đề "Đổi mới Hệ thống Phòng không: Tồn tại Lâu dài Trên không và Không kích Bất thình lình", (创新空防体系:持久留空与即时打击; Hán-Việt: Sang tân Không phòng Thể hệ: Trì cửu Lưu không Dữ Tức thời Kích) trong đó ông nói khí cầu là "lựa chọn tốt nhất để Trung Quốc xây dựng hệ thống phòng không nội địa của mình".[37]

Căng thẳng Mỹ–Trung

Xem thêm thông tin: Quan hệ Hoa Kỳ–Trung Quốc

Sự kiện khí cầu năm 2023 diễn ra khi quan hệ Mỹ–Trung đang ở mức thấp nhất trong hàng thập kỷ,[38] trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược ngày càng gia tăng giữa hai siêu cường quốc này, bao gồm cả hoạt động gián điệp và trong các lĩnh vực kinh tế và quân sự quan trọng, bao gồm chất bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, khoa học sự sống, viễn thông 5G, và điện toán lượng tử.[39] Sự cố khí cầu xảy ra sau các hành động trước đây của chính phủ Trung Quốc nhắm vào Hoa Kỳ, bao gồm việc Trung Quốc đánh cắp các thiết kế của máy bay F-35 khoảng mười lăm năm trước đó và các cuộc tấn công mạng thành công do chính phủ Trung Quốc tài trợ nhắm vào các hồ sơ xác nhận an ninh của Văn phòng Quản lý Nhân sự (2015), bộ phận chăm sóc sức khỏe công ty Anthem (2015), và hệ thống Marriott International (2018).[39] Vào năm 2022, Hoa Kỳ và các đồng minh đã áp đặt thêm các biện pháp kiểm soát xuất khẩu nghiêm ngặt đối với buôn bán "công nghệ nền tảng" (bao gồm chip bán dẫn tiên tiến và các công nghệ liên quan) cho Trung Quốc, với mục đích ngăn chặn sự phát triển quân sự của Trung Quốc.[38] Chính quyền Biden cũng đã tìm cách duy trì những chuỗi cung ứng không bao gồm Trung Quốc các lĩnh vực quan trọng.[38]

Sự kiện trước đây

Vào ngày 9 tháng 2 năm 2023, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã giải mật thông tin tình báo về khinh khí cầu này, tiết lộ rằng khinh khí cầu bị bắn hạ trên Đại Tây Dương là một phần của cả một phi đội khinh khí cầu giám sát quân sự của Trung Quốc bay qua hơn bốn mươi quốc gia và qua năm châu lục, bao gồm Mỹ Latinh và Châu Âu, với các nỗ lực giám sát bao quát hơn nhằm vào các nước lân cận bao gồm Nhật Bản, Ấn Độ, Việt Nam, Đài Loan, và Philippines.[40][41][42]

Đây là khinh khí cầu thứ năm của Trung Quốc được phát hiện là bay trên lục địa Hoa Kỳ kể từ năm 2017.[43] Khinh khí cầu của Trung Quốc bị tình nghi là có hoạt động do thám cũng đã xâm phạm không phận Hoa Kỳ ở Florida, Guam, và Hawaii.[44][45][46] Trong những lần đó, Trung Quốc đã thu hồi được khí cầu. Không có lần xâm phạm nào kéo dài như sự kiện năm 2023.[47] Trong số các sự kiện trước đó, một vụ xảy ra vào hồi đầu nhiệm kỳ tổng thống của Biden (2021–nay)[46][48] và ba vụ xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump (2017–2021), theo một quan chức quốc phòng cấp cao giấu tên của Hoa Kỳ.[46][48][49] Hoa Kỳ đã không phát hiện ra những trường hợp trước đó vào thời điểm xảy ra vụ việc; chúng chỉ được phát hiện sau đó bởi các cơ quan tình báo Hoa Kỳ.[50][51][52] Các cuộc xâm nhập khác trước năm 2023 đã được phát hiện nhưng vẫn chưa giải thích được, được các nhà chức trách Hoa Kỳ phân loại là hiện tượng dị thường không xác định; nhiều sự cố chưa được xác định trước đây đã được giao cho lực lượng đặc nhiệm của Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm điều tra các sự kiện như thế.[53] Trong hai năm trước sự cố năm 2023, các quan chức Hoa Kỳ đã xác định một số vụ xâm nhập là do thám bóng bay của Trung Quốc.[53][54] Tư lệnh Bộ Tư lệnh Miền Bắc Hoa Kỳ (USNORTHCOM), Tướng Glen VanHerck nói rằng việc Hoa Kỳ không phát hiện và xác định các cuộc xâm nhập trước đó là "lỗ hổng về nhận thức an ninh mà chúng tôi phải điều tra thêm"; VanHerck đã thúc đẩy việc tăng cường sử dụng các cảm biến và radar vượt đường chân trời để phát hiện các mối đe dọa.[55][56][57]

Trump gọi các báo cáo về những vụ khí cầu xâm nhập trong chính quyền của mình là "phản thông tin giả mạo".[58] Cựu tổng thống Trump và một số cựu quan chức an ninh quốc gia hàng đầu trong chính quyền của ông cho biết họ không biết về bất kỳ vụ xâm nhập khí cầu nào trong nhiệm kỳ của họ.[59] Cố vấn an ninh quốc gia của Biden, Jake Sullivan, sau đó nói rằng việc cải thiện giám sát không phận theo lệnh của Biden sau khi ông nhậm chức đã phát hiện ra các vụ xâm phạm trước đó và "nâng cao khả năng của chúng tôi để có thể phát hiện ra những thứ mà chính quyền Trump không thể phát hiện ra".[60]

Vào năm 2020, một khinh khí cầu tương tự đã được quan sát thấy ở Sendai, Nhật Bản; vào thời điểm đó, nó không được xác nhận là khí cầu từ Trung Quốc.[61][62] Tương tự, vào tháng tháng 9 năm 2021, một khinh khí cầu khác có đặc điểm tương tự đã được quan sát thấy ở Hachinohe, Nhật Bản, mặc dù vào thời điểm đó nó cũng không được xác định là có nguồn gốc từ Trung Quốc.[63][64] Vào tháng 2 năm 2022, một vài quả khí cầu cũng được phát hiện ngoài khơi Đài Loan, nhưng Bộ Quốc Phòng Đài Loan nói rằng chúng có khả năng cao là để quan sát khí tượng cho Chiến khu Đông của Quân đội Trung Quốc và không có nguy cơ an ninh tức thời nào.[65]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Sự_kiện_khinh_khí_cầu_do_thám_Trung_Quốc_năm_2023 http://hdl.loc.gov/loc.uscongress/legislation.118h... //lccn.loc.gov/48034039 //doi.org/10.2968%2F065002008 //www.worldcat.org/issn/0096-3402 //www.worldcat.org/issn/0362-4331 //www.worldcat.org/issn/1938-3282 //www.worldcat.org/oclc/470268256 https://www.9news.com.au/world/chinese-spy-balloon... https://www.news.com.au/technology/innovation/mili... https://www.abc.net.au/news/2023-02-06/foreign-min...